Phóng sự về Đông trùng Hạ thảo CordyHappy trên Báo Thái Nguyên

Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn về sử dụng dược liệu, các nhà nghiên cứu của Viện Khoa học sự sống (Đại học Nông lâm Thái Nguyên) đã nuôi cấy thành công đông trùng hạ thảo và bước đầu xây dựng được thương hiệu.

Đến Viện Khoa học Sự sống, chúng tôi được PGS.TS Dương Văn Cường, Trưởng bộ môn Sinh học phân tử, Trưởng nhóm nghiên cứu nấm dược liệu, vừa dẫn đi thăm quan cơ sở nghiên cứu, nuôi trồng vừa giới thiệu về các quy trình, công đoạn sản xuất đông trùng hạ thảo. Điều chúng tôi ấn tượng là không gian và cách làm việc rất nghiêm túc, khoa học của cơ sở. Đặc biệt khi vào phòng nuôi trồng, chúng tôi bị cuốn hút vào hàng nghìn lọ nấm đang đâm những chồi hồng. Mỗi lô đều ghi cụ thể ngày, tháng, theo đó chúng có kích thước tăng trưởng khác nhau theo thời gian. Những lọ nấm được trồng trong phòng có ánh sáng (hạ thảo) đã được nuôi đủ ngày trong phòng “ngủ đông” (phòng tối – đông trùng). Đến đây, được nhìn tận mắt, sờ tận tay và nghe tận tai mới thấy được giá trị của sản phẩm khoa học lấy cảm hứng từ thiên nhiên này.

Quá trình nuôi trồng đông trùng hạ thảo được các nhà khoa học, cán bộ Viện Khoa học Sự sống kiểm tra, theo dõi, đánh giá nghiêm ngặt.
Quá trình nuôi trồng đông trùng hạ thảo được các nhà khoa học, cán bộ Viện Khoa học Sự sống kiểm tra, theo dõi, đánh giá nghiêm ngặt.

Quả thực, nói đến đông trùng hạ thảo, rất nhiều người, đặc biệt là những người có kiến thức, hiểu biết về y học đều khẳng định công dụng tuyệt vời của loại dược liệu này. Thậm chí có người coi đây là thần dược bởi nó giúp chữa được “bách hư bách tổn”. Đây là loài nửa thực vật nửa động vật, được hình thành vào mùa Đông và trưởng thành vào mùa Hạ nên đạt sự cân bằng tuyệt vời giữa âm và dương. Cũng bởi công dụng tuyệt vời như vậy mà đông trùng hạ thảo có giá khá cao. Nhất là đối với đông trùng hạ thảo tự nhiên. Trong lịch sử, đông trùng hạ thảo là thần dược quý hiếm chỉ dành cho giới vua chúa và quan lại thượng lưu để bồi bổ sức khoẻ hoặc duy trì tuổi xuân, sắc đẹp. Ngày nay, dưới sự phát triển của khoa học kỹ thuật, một số cơ sở đã nghiên cứu và nuôi cấy thành công loại dược liệu quý này.

PGS.TS Dương Văn Cường, chia sẻ: Tôi có 4 năm làm nghiên cứu sinh ở nước Anh. Chuyên ngành của tôi là nghiên cứu sinh học phân tử trong ung thư nên hiểu được một số cơ chế tác động của dược liệu đối với tế bào ung thư. Với hơn 1.500 công trình nghiên cứu ISI, y học phương Tây và phương Đông đã cho thấy những bằng chứng khoa học của việc sử dụng đông trùng hạ thảo để nâng cao sức đề kháng, ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị ung thư. Từ đó, càng thôi thúc tôi tìm hiểu về nguồn gốc, thành phần và cách nuôi trồng loại dược liệu này. Năm 2014, sau khi về nước 1 năm, tôi cùng một số đồng nghiệp bắt đầu nghiên cứu, nuôi cấy đông trùng hạ thảo.

Trong quá trình thực hiện, nhóm gặp rất nhiều khó khăn. Được sự động viên, tạo điều kiện và hỗ trợ ban đầu của Ban lãnh đạo Viện Khoa học Sự sống, nhóm đã quyết tâm triển khai nghiên cứu. Tuy nhiên, để có kinh phí “khởi nghiệp”, các thành viên trong nhóm phải tự góp vốn. Nhóm đã tự thiết kế phòng ốc, lắp ráp, chế tạo một số thiết bị máy móc cần thiết để phục vụ cho việc nghiên cứu, nuôi cấy, nhất là làm sao để thiết kế môi trường nuôi cấy đáp ứng được các điều kiện giống với tự nhiên nhất. Vừa làm vừa nghiên cứu, hoàn thiện từng bước mất bao thời gian, công sức và chi phí. Không ít lần nhóm phải nếm thất bại. Sau hơn 3 năm ròng rã “mài sắt”, thành công cũng đến. Khi đã nuôi trồng, sản xuất thành công, nhóm đã đưa ra thị trường các sản phẩm đông trùng hạ thảo khá đa dạng như: Đông trùng hạ thảo tươi, sấy khô, trà túi lọc, viên nang, mật ong… Trong đó, hai sản phẩm viên nang đông trùng hạ thảo và trà túi lọc được công bố dưới dạng thực phẩm chức năng do Bộ Y tế cấp phép lưu hành.

Thành công nối tiếp thành công, năm 2018, sản phẩm đông trùng hạ thảo của Viện Khoa học Sự sống được lựa chọn trưng bày giới thiệu tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh. Năm 2019, sản phẩm viên nang đông trùng hạ thảo đã vinh dự được Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam tặng Huy chương Vàng – sản phẩm vì sức khỏe cộng đồng do đáp ứng đủ 12 tiêu chuẩn nghiêm ngặt của Hiệp hội quy định. Tháng 12-2019, đề tài khoa học công nghệ cấp Bộ nghiên cứu về đông trùng hạ thảo của nhóm tiếp tục được Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiệm thu và đánh giá cao. Bên cạnh đó, nghiên cứu của nhóm góp phần tích cực trong công tác đào tạo của Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên.

Thạc sĩ nghiên cứu sinh học Ma Thị Trang, Viện Khoa học Sự sống cho biết: Hiện nay, sản phẩm đông trùng hạ thảo đã được bán rộng rãi trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Thương hiệu CordyHappy của chúng tôi tạo dựng được là nhờ chất lượng sản phẩm tương đương với các sản phẩm hàng đầu khác trên thị trường nhưng giá bán lại thấp hơn rất nhiều (chỉ bằng ½). Lý do là chúng tôi là những người làm chủ được công nghệ lõi và chi phí rất ít cho việc quảng bá. Điều chúng tôi mong muốn là sản phẩm đến được với đông đảo người dùng nhất, góp phần chăm lo cho sức khỏe cộng đồng.

PGS.TS Dương Văn Cường chia sẻ: Nhiều người vẫn quan niệm và đề cao thái quá giá trị của đông trùng hạ thảo tự nhiên nói riêng và các sản phẩm nguồn gốc hoang dã nói chung. Tôi không ủng hộ quan điểm đó. Trong trường hợp của đông trùng hạ thảo, những cá thể mọc tự nhiên có nhiều yếu điểm. Chúng có sự sinh trưởng phát triển không đồng đều và có thể bị nhiễm các mầm bệnh. Việc tìm kiếm và thu hoạch được thực hiện bởi người dân bản địa nên rất khó để thu hoạch đúng thời điểm. Quy trình bảo quản thô sơ, thời gian vận chuyển kéo dài nên khó giữ được các dược chất quý trong khi chúng dễ bị phân huỷ. Còn đông trùng hạ thảo nhân tạo là sản phẩm của nghiên cứu khoa học, giống gốc nuôi cấy được tuyển chọn rất kỹ từ tự nhiên và liên tục nghiên cứu cải tiến năng suất chất lượng. Quá trình thu hoạch đúng thời điểm, chế biến, bảo quản bằng công nghệ phù hợp nên đạt chất lượng tốt, đồng đều và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Có thể khẳng định, sau bao khó khăn, vất vả vun trồng, sản phẩm đông trùng hạ thảo của nhóm nghiên cứu khoa học, Viện Khoa học Sự sống đã cho quả ngọt. Vậy nhưng PGS.TS Dương Văn Cường luôn trăn trở: “Đông trùng hạ thảo là loại nấm rất khó tính, thoái hóa giống nhanh nên nó đòi hỏi sự nghiên cứu liên tục. Làm sao giữ được sự ổn định của giống và cải tiến nó là điều mà chúng tôi phải tìm tòi, nghiên cứu không ngừng. Ngoài ra, chúng tôi cũng đang tiếp tục nghiên cứu một số loại nấm dược liệu quý khác như nấm Đầu khỉ, nấm Vân chi…”. Đây cũng là giá trị của khoa học trước yêu cầu của thực tiễn cuộc sống.

Nguồn tin: Báo Thái Nguyên